Hàm răng sữa trắng như ngọc của bé bi, 3 tuổi, bỗng một hôm
xuất hiện mấy vết đen trên bề mặt răng. Bé bi có mách với mẹ nhưng vì
bận bịu nên mẹ quên mất. Một buổi tối, mẹ thấy bé Bi khóc quá vì đau
răng, vội cho bé đi khám thì răng bé đã bị sâu nghiêm trọng rồi, không
còn cách nào khác, nha sĩ đành phải nhổ đi hai răng cửa của bé…
Không riêng trường hợp của bé Bi mà hiện nay, tình trạng sâu răng sớm
ở trẻ em ngày càng nhiều hơn. Mới đây, một cuộc “Điều tra sức khỏe răng
miệng toàn quốc” của Viện Răng Hàm Mặt TP.HCM thực hiện đã đưa ra những
kết quả khiến các bà mẹ không thể xem nhẹ căn bệnh này. Cụ thể, tỷ lệ
trẻ bị sâu răng trong nhóm tuổi 6 – 8 là 25,4%. Tỷ lệ này càng tăng lên
theo từng nhóm tuổi như 54,6% trẻ ở độ tuổi 9 – 11; 64,1% của nhóm 12 –
14 tuổi và với 15 – 17 tuổi có 68,6% ca sâu răng.
Độ tuổi sâu răng ở trẻ rất cao
Răng sữa có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn
diện của trẻ. Nó không chỉ giúp trẻ nhai, nghiền thức ăn mà còn giữ
khoảng trên cung hàm giúp cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên đúng vị
trí. Khi thực hiện cử động nhai, răng sữa sẽ kích thích sự tăng trưởng
của xương hàm, nhất là phát triển chiều cao cung răng. Mất sớm các răng
sữa là một yếu tố gây sai lệch sự cắn khớp của răng vĩnh viễn và ảnh
hưởng tới khớp thái dương hàm sau này. Trẻ bị mất răng sữa sớm còn bị
ảnh hưởng lớn tới sự phát âm trong quá trình tập nói sau này.
Vì sao răng con bị sâu?
Ở trẻ nhỏ, răng sữa mọc ra vào khoảng tháng thứ 6 sau khi sinh và đến
2 – 3 tuổi thì 20 chiếc răng sữa đã mọc đủ. Có nhiều nguyên nhân khiến
trẻ bị sâu răng. Đầu tiên là do lớp men răng và lớp ngà răng của răng
sữa tương đối mỏng, độ canxi hóa thấp nên dễ bị sâu răng và khi đó thì
mức độ bệnh tiến triển rất nhanh, có khi chỉ cần mới bắt đầu đau răng
thì răng đã sâu lan tới tận tủy răng rồi.
Một tác nhân nữa là do trẻ ăn nhiều đồ ngọt. Những loại thức ăn có
hàm lượng đường cao, tính bám dính mạnh và dễ lên men sinh acid đó sẽ
làm răng trẻ sâu rất nhanh. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khách quan
khác, như: sâu răng do bú bình, do ăn uống thiếu chất…
Sâu răng trên răng sữa thường khởi đầu ở các hố và rãnh. Các vết sâu
nhỏ khó có thể phát hiện bằng mắt thường, nhiều trường hợp chỉ có thể
phát hiện khi chụp X-quang răng. Những lỗ thủng ở mặt nhai mà cha mẹ
quan sát được là biểu hiện của những lỗ sâu lớn, khi những vết sâu này
biểu hiện ở các bề mặt ngoài và mặt trong của răng có nghĩa là tình
trạng sâu răng của bé đã rất nghiêm trọng.
Tốc độ phát triển sâu răng phụ thuộc nhiều yếu tố như: độ cứng của tổ
chức răng, số lượng chất tựa hữu cơ (matrixprotein), mảng bám vi khuẩn,
chất lượng và tần suất ăn uống…
Để bé không “sợ” nha sĩ…
Phải thuyết phục mãi bé Bi mới chịu đi đến phòng nha, nhưng nhất định
không lên ghế để bác sĩ khám, dù mọi người có dỗ bằng cách nào đi nữa.
Đó là vì bé sợ “môi trường” điều trị răng của người lớn với những tiếng
máy khoan rin rít đầy ám ảnh.
Các bậc cha mẹ nên tập cho bé tiếp xúc sớm với phòng khám nha khoa và
nha sĩ. Và tốt nhất là đến khám, điều trị tại nha khoa dành riêng cho
trẻ em. Ở đó sẽ có những câu chuyện về “Thỏ đi chữa răng”. Trước khi nha
sĩ thăm khám, bé sẽ được tập làm quen với cô y tá dịu dàng cùng câu
chuyện của thỏ. Lần khám đầu tiên tốt nhất là trong vòng 6 tháng đầu kể
từ khi chiếc răng sữa đầu tiên mới mọc và trễ nhất là lúc bé 12 tháng
tuổi.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Chưa có Bình Luận " Làm gì khi bé bị sâu răng "